Chiếc title nghe thật căng nhưng sẽ chẳng hề muốn áp đặt bất kỳ một ai, hay bao biện cho những sếp không tốt, hay đặt ra vấn đề để tranh cãi. Tuy nhiên sẽ có vài góc nhìn khác so với thường ngày để bạn ‘hiểu’ hơn về các sếp.
***Bài viết chống chỉ định cho những ai đang có sếp không tốt thật sự
Như thế nào là ‘sếp hiền’, ‘sếp tốt’?
Nếu đề bài miêu tả người ‘sếp hiền’ hay người sếp như mong muốn, bạn sẽ miêu tả sếp có những đặc điểm gì? Tạm bỏ qua bảy bảy bốn chín mô tả về ngoại hình, sự ‘nhiều tiền’ của sếp chúng ta hãy đến những tính cách hay cách cư xử trước. Và chắc rằng không ít bạn sẽ mong muốn người sếp:
- Chuyên môn giỏi để có thể học tập được nhiều, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết…
- Tôn trọng và ghi nhận đóng góp của nhân viên, không nặng lời
- Luôn vui vẻ, lan truyền động lực và năng lượng tích cực, không áp đặt
- Thoải mái, không quá gắt gao, kỹ tính dò xét, hay hỗ trợ nhân viên
- Không áp đặt KPIs hay dí deadline
- Và vân vân mây mây nhiều yếu tố khác nữa.
Thêm một câu hỏi nữa: ‘Liệu bạn có bị cướp công sức, lấy mất tiền lương hay bị áp đặt những quy định không thể chấp nhận được theo nghĩa đen?’ Nếu câu trả lời là không, thì bạn đang có một người sếp khá ổn đấy.
Và liệu bạn có suy nghĩ rằng sếp của bạn cũng đang rất ‘hiền’. Khi mà công sức làm việc của bạn vẫn được ghi nhận, bạn ít nhất vẫn đang được trả lương hoặc tăng lương đúng theo quy định. Khi mà trong các buổi trao đổi, bằng cách này hay cách khác sếp vẫn hướng dẫn bạn các công việc vốn dĩ các bạn là người thực thi. Khi mà sếp bạn vẫn là đang là người dẫn dắt team thực hiện và vượt qua các KPIs hay yêu cầu từ trên cao nữa… Thật ra, người sếp hiện tại điều có điều bạn mong muốn, nhưng do đâu đó do cảm xúc chưa hài lòng trong công việc đang đong đầy; hay những áp lực deadline, dự án từ sếp khiến bạn cảm thấy những ưu điểm của nhạt dần và khác những điều mong muốn của bạn.
‘Everything happens for a reason – Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó’.
Dù sao đi nữa trong công việc thì các yêu cầu cao hay góp ý tiểu tiết đến đâu đi nữa cũng đều vì kết quả là công việc tốt hơn. Sản phẩm không thể hoàn hảo nếu không chăm chút từ những chi tiết nhỏ nhất, cũng như xử lý yêu cầu càng cao thì năng lực bạn sẽ càng tăng và sẽ sớm nhận được đãi ngộ tương xứng.
Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi ta đặt vào vị trí của nhau
Không ít bạn trong CV ứng tuyển vào công ty sẽ có các câu: mong muốn học hỏi, chịu được áp lực trong công việc, tinh thần cầu tiến nhiệt tình, làm việc nhóm tốt… Thế nhưng, sau mỗi những yêu cầu khó từ sếp hay khi bị bắt bẻ chi tiết, bạn lại cảm thấy sếp khắt khe khó tính và yêu cầu cao. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế là việc đi làm không chỉ là cách chúng ta kiếm sống mà còn là nơi học tập để nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân. Cùng với đó việc thực hiện các công việc được giao là trách nhiệm của mỗi nhân sự, đừng nên lấy lý do ‘không phải nhiệm vụ của tôi’ để trốn tránh những công việc bạn đáng lý nên thực hiện.
Khi sếp và lãnh đạo cấp cao thì các vấn đề về doanh thu, duy trì – vận hành công ty ổn định là điều không hề dễ dàng. Với cấp quản lý việc đảm bảo công việc hiệu quả và quản lý nhân sự bên dưới cũng lắm gian nan, lắm tất bật. Họ sẽ đối mặt với hàng tá những vấn đề khó nhằn không thua kém những cái KPIs hằng tháng bạn đối mặt. Đời sẽ dịu dàng hơn khi ta ở biết đặt mình vào vị trí của nhau, vậy nên hãy luôn đặt mình ở vị trí của sếp để, hiểu hơn nguyên nhân của các yêu cầu và quyết định. Điều này không chỉ giúp bạn có góc nhìn đa chiều hơn về tư duy triển khai mà còn hỗ trợ rèn luyện tư duy quản trị công việc.
Bạn cứ việc cố gắng và sẽ có ‘sếp tốt’ cho bạn!
Việc thực hiện các yêu cầu khó, đòi hỏi nghiên cứu chi tiết không hề khiến các bạn bị tụt giảm năng lực làm việc mà còn nâng khả năng chuyên môn. Các bạn cứ nỗ lực để nâng cao bản thân, sếp sẽ hiền hơn với bạn. Nếu sự nỗ lực của bạn không được ghi nhận bởi sếp này thì sẽ có công ty tốt và sếp tốt dành cho bạn hoặc bạn hoàn toàn có thể trở thành ‘sếp tốt’ cho nhân sự khác chẳng hạn.
Việc chấp nhận bản thân cứ mãi với chuyên môn tầm tầm, kinh nghiệm không nâng cao và chỉ chăm ‘xì xào’ về sếp mỗi ngày chỉ khiến bạn dậm chận một chỗ mà thôi. Ở mỗi năng lực sẽ có các góc nhìn, đánh giá khác nhau và các áp lực khác nhau. Việc đón nhận mọi thứ với thái độ tích cực nhất sẽ giúp bạn thấu hiểu hơn về mọi thứ và để sếp ‘được hiền’ hơn với bạn nữa nhé!
By Mei – Đêm nào đó